UBND TP HCM vừa có báo cáo kết quả 3 năm thực hiện đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM), giai đoạn 2021-2030.
Đến nay, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc để xây dựng đề án. Năm đề án đầu tư xây dựng của 5 huyện đã hoàn thành nội dung cơ bản và đang hoàn thiện.
UBND TP HCM đánh giá việc thực hiện các đề án nhánh và đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM là cơ hội, điều kiện để TP HCM tập trung các nguồn lực đầu tư, cải thiện, khắc phục và nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn về cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn các huyện, góp phần nâng cao đời sống xã hội của người dân.
Năm huyện ngoại thành của TP HCM lên thành phố khả thi hơn lên quận.
Tuy nhiên, đây là cách làm mới, chưa có tiền lệ và chưa có các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, nội dung các đề án nhánh sẽ thiếu tính đồng bộ, có nhiều cách hiểu và yêu cầu chưa thống nhất.Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND 5 huyện và đơn vị tư vấn trong việc thực hiện.
UBND TP HCM nhìn nhận mô hình chuyển đổi lên đơn vị hành chính quận đối với 5 huyện là rất khó đạt được giai đoạn từ nay đến năm 2030 do quy định bắt buộc các huyện phải đạt theo tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đồng thời phải có đủ 100% các xã đủ tiêu chí để chuyển đổi sang phường.
Hơn nữa, hầu hết các địa phương như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh đang còn diện tích đất nông nghiệp khá nhiều. Do vậy, mô hình thành phố thuộc TP HCM là phương án được lựa chọn của cả 5 huyện.
Điều này sẽ đáp ứng mục tiêu chuyển các đơn vị hành chính huyện thành đơn vị hành chính cấp đô thị nhưng vẫn giữ lại một số khu vực nông nghiệp ngoại thành của đơn vị hành chính mới trực thuộc.
Cũng theo UBND TP HCM, thành phố ước tính nhu cầu tổng vốn đầu tư cho 5 huyện giai đoạn 2021 - 2030 là rất lớn với dự kiến khoảng 242.000 tỉ đồng. Qua phân tích của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, cơ hội thu lại giá trị gia tăng từ đất nếu khai thác tốt, theo ước tính có thể đạt khoảng 528.000 tỉ đồng trên địa bàn năm huyện trong 10 năm tới.
Do đó, TP HCM cần ưu tiên đầu tư các dự án, đề án mang tính động lực trước, làm đòn bẩy để phát triển lan tỏa ra các khu vực khác trên địa bàn 5 huyện.
Đồng thời vận dụng cơ chế chính sách khai thác tối đa giá trị gia tăng từ đất trong quá trình đầu tư, phát triển trên địa bàn các huyện, thông qua phương thức điều tiết và nguồn thuế, phí và mô hình điều tiết phù hợp.
Xác định đây là một trong những đề án trọng điểm nhằm góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển của các huyện nói riêng và TP HCM nói chung, UBND thành phố đề nghị các sở, ngành, 5 huyện tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030 và tổ chức triển khai thực hiện đề án.
Theo Phan Anh - nld.com.vn